TRỞ VỀ
Tin tổng hợp

Hạ chuẩn doanh nghiệp gas

 
(TBKTSG) - Một chuyện khá lạ đang diễn ra ở thị trường LPG (gas) khi cơ quan quản lý hạ thấp các quy định đối với thương nhân xuất, nhập khẩu và phân phối LPG tại dự thảo nghị định sửa đổi so với quy định hiện hành (Nghị định 107/2009/NĐ-CP) vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành.



Nỗi lo mang tên “hạ chuẩn”

Mới nhất, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) đã gửi văn bản góp ý cho Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định kể trên trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Văn bản do bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó tổng giám đốc Saigon Petro, ký đề nghị giữ nguyên như Nghị định 107 về điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG là “có tối thiểu 300.000 chai các loại”. Theo dự thảo lần 3 của nghị định (khoản 4, điều 7), điều kiện của thương nhân xuất, nhập khẩu gas chỉ là sở hữu “tối thiểu 150.000 chai LPG các loại (trừ chai LPG mini).

Saigon Petro đưa ra giải thích cho đề nghị của mình là Nghị định 107 với điều kiện 300.000 chai như đã nói ở trên có hiệu lực đến nay đã năm năm, các thương nhân xuất - nhập khẩu đã có đủ thời gian để hoàn chỉnh các điều kiện để đáp ứng với nghị định này. Các thương nhân đầu mối đáp ứng đủ điều kiện có dư khả năng, tiềm lực để thực hiện xuất nhập khẩu và hoạt động ổn định trong thời gian qua. Ngoài ra, Nhà máy Dinh Cố và Bình Sơn đã cung ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước. Vì vậy, “không nên hạ tiêu chuẩn để khuyến khích đầu tư”, văn bản nhấn mạnh.

Cũng theo Saigon Petro, tương tự như vậy, điều kiện với thương nhân phân phối gas cũng cần giữ nguyên như Nghị định 107 là “có tối thiểu 300.000 chai LPG các loại” chứ không nên hạ chuẩn xuống mức 100.000 chai như dự thảo nghị định đang lấy ý kiến. Có chăng, theo Saigon Petro, với các vùng xa, miền núi, hải đảo, nguồn cung còn ít mới cho phép thương nhân phân phối LPG chỉ cần có 100.000 vỏ chai các loại để tạo điều kiện có thêm người đầu tư, tham gia.

Trao đổi với TBKTSG, bà Mẫn cho biết, hiện tại cả nước có 60 doanh nghiệp gas đầu mối (bao gồm thương nhân xuất nhập khẩu, thương nhân sản xuất, chế biến và thương nhân phân phối), 20 triệu vỏ bình gas đang lưu hành. Thị trường gas đã dư thừa (cả đầu mối lẫn vỏ bình) nên xảy ra tình trạng chiếm dụng vỏ bình, sang chiết gas lậu mà nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được. Vì vậy, hạ chuẩn điều kiện thì các nhà đầu tư sẽ nghĩ thị trường đang thiếu, tiếp tục đổ tiền vào thì kinh doanh đã khó lại càng thêm khó. Theo bà Mẫn, những dẫn chứng cụ thể cho thấy thị trường đang khó là lợi nhuận của doanh nghiệp gas hiện đã giảm rất nhiều so với trước đây (lãi ít), đầu tư chi phí cao vì vòng quay của mỗi vỏ bình gas (có giá 500.000 đồng/bình) hiện nay chỉ từ 3-4 vòng (trước đây là từ 6-7 vòng).

Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp gas đầu mối (không muốn nêu tên) cho biết, ngoài câu chuyện thị trường khó khăn và bất ổn kể trên, vấn đề còn là các doanh nghiệp đã đầu tư để đủ điều kiện như Nghị định 107 phải chịu tổn thất lớn. Ông cho biết, cách đây năm năm, doanh nghiệp ông đã phải vay hàng chục tỉ đồng từ ngân hàng với lãi suất 19%/năm để có tiền đầu tư 150.000 vỏ bình gas nhằm đáp ứng tiêu chí 300.000 vỏ bình; rồi xây dựng kho chứa đủ 800 mét khối... “Tính bình quân mỗi vỏ bình gas giá 500.000 đồng thì chúng tôi đã mất 80 tỉ để có thêm 150.000 bình. Đó là chưa kể chi phí bảo dưỡng, sơn sửa. Tiền đầu tư không biết bao nhiêu. Vậy mà bây giờ vỏ bình thì giảm còn một phần ba; còn một phần hai về điều kiện kho chứa... Ai chịu trách nhiệm cho những món nợ, những vất vả này của doanh nghiệp?”, đại diện này nói.

Cũng theo vị này, tuy thế doanh nghiệp không hối tiếc về những gì đã đầu tư vì đấy là xu hướng, là việc phải làm trong bối cảnh hội nhập để có thể tồn tại và đối đầu với các đối thủ nước ngoài. Vì vậy, ở thời điểm này, khi hội nhập càng sâu rộng, càng không thể hạ chuẩn các điều kiện, đi lùi xu thế như mong muốn của một số người khi đề xuất sửa đổi nghị định.

Thị trường gas đã dư thừa (cả đầu mối lẫn vỏ bình) nên xảy ra tình trạng chiếm dụng vỏ bình, sang chiết gas lậu mà nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được.

Cần có mục tiêu, chính sách nhất quán

Việc hạ chuẩn các điều kiện như dự thảo nghị định phải chăng đang cho thấy cơ quan quản lý, làm chính sách đang lúng túng, không có mục tiêu rõ ràng với thị trường gas? Lãnh đạo một doanh nghiệp nhận xét, có một phần là như vậy. Vị này cho biết cảm thấy rất buồn (cười) khi có lãnh đạo của cơ quan quản lý phát biểu rằng vấn đề này nên tuân theo ý kiến số đông, lại có người nói cứ để doanh nghiệp bỏ tiền, nếu chết thì tự chịu! “Là cơ quan quản lý, hoạch định chính sách mà nói như vậy là rất vô trách nhiệm!”, vị này nhận xét.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, hiện đang giữ chức Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, cho biết ở các nước có thị trường gas phát triển, ví dụ như Thái Lan, số lượng thương nhân chỉ từ bốn đến năm. Và các thương nhân đầu mối khai thác hết tiềm năng, năng lực thị trường. Trong khi đó, Việt Nam vốn đã nhiều thương nhân đầu mối (gấp 15 lần so với Thái Lan) lại còn muốn nhiều hơn. Hệ quả là các doanh nghiệp trong nước tự “đánh nhau”, kìm chân nhau không phát triển được trong khi việc cần làm là mạnh hơn để đối đầu với các đối thủ ngoại.

Theo bà Mẫn, với thị trường gas Việt Nam đã bão hòa như hiện tại thì cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để khai thác hiệu quả nhất những gì đã có (hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng đã được đầu tư nhiều năm qua).

Còn với những người đến sau thì cần phải thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, nghĩa là thực hiện mua bán sáp nhập, sở hữu cổ phần các doanh nghiệp yếu, thiếu tiềm lực phát triển. “Chỉ những thị trường mới mới khuyến khích đầu tư trực tiếp. Còn với các thị trường đã bão hòa thì phải là gián tiếp. Cơ quan quản lý cần nhìn tổng thể thị trường để đưa ra cảnh báo, chính sách phù hợp. Việc đầu tư nói một cách dễ hiểu cũng như việc một người đang đầy bụng thì phải chờ tiêu hóa mới ăn tiếp vậy!”, bà Mẫn thẳng thắn.

Trở lại với các doanh nghiệp hiện không đủ điều kiện nhưng vẫn muốn tham gia thị trường gas, bà Mẫn cho rằng, Bộ Công Thương cũng không thể bắt họ ngưng hoạt động mà nên gia hạn thời gian thực hiện. Và đến thời điểm quy định, nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp tự thực hiện mua bán sáp nhập để mạnh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đại diện các doanh nghiệp mà TBKTSG tiếp xúc có chung quan điểm: với thị trường gas hiện nay, câu chuyện là làm sao quản lý, vận hành tốt hơn chứ không phải là mở rộng tràn lan để xảy ra nhiều hệ lụy, không quản lý được. Và việc cần làm hơn lúc này là bảo vệ người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính trước tình trạng gas lậu hoành hành. Vì vậy, quy định quản lý cần thay đổi so với Nghị định 107 hiện hành là bắt buộc một đại lý, cửa hàng chỉ được ký với một tổng đại lý (phân phối ba thương hiệu gas) hoặc với thương nhân đầu mối mà số lượng thương hiệu không quá con số ba. Làm như vậy để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, quy trách nhiệm cho người liên quan khi có vấn đề xảy ra. Hoặc cần quy định chặt hơn, rõ hơn về trạm chiết của tổng đại lý để hạn chế tình trạng sang chiết lậu, mất an toàn...

Thị trường gas đã dư thừa (cả đầu mối lẫn vỏ bình) nên xảy ra tình trạng chiếm dụng vỏ bình, sang chiết gas lậu mà nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được.
Theo Minh Tâm